Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vẫn loay hoay tìm cách chuyển đổi số

79% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi động của chuyển đổi số, nhưng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc, đóng góp 30 tỷ USD cho GDP cả nước trong năm 2024.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vẫn loay hoay tìm cách chuyển đổi số - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Chuyển đổi số đang là xu thế toàn cầu, và tại Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Trong những năm gần đây, chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ và có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

Cisco mới đây đã công bố một nghiên cứu dựa trên khảo sát với các DNVVN khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho thấy quá trình chuyển đổi số trong khối DN này có thể đóng góp từ 24 tỷ đến 30 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024.

Nghiên cứu cho thấy các DNVVN với mức độ chuyển đổi số cao được hưởng lợi khá nhiều, cụ thể là gấp đôi lợi ích về doanh thu và năng suất so với những doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ với quá trình chuyển đổi số.

Tại Việt Nam, DNVVN từ lâu vẫn được coi là một phần trọng yếu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các DNVVN Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân, và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Khối DN này chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp và đóng góp khoảng 47% vào GDP cả nước.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vẫn loay hoay tìm cách chuyển đổi số - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Theo kỳ vọng, chuyển đổi số trong khối DNVVN tại Việt Nam sẽ đóng góp 30 tỷ USD vào GDP trong năm 2024.

Dựa trên khảo sát sơ bộ, hiện vẫn còn tới 79% DNVVN tại Việt Nam đang ở giai đoạn "trứng nước", và loay hoay tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là con số đáng khích lệ, và là một bước nhảy vọt so với 32% của năm 2019. Trong số đó, 72% số DN nhận ra sự cạnh tranh đang thay đổi và họ phải bắt kịp tốc độ, trong khi 46% cho biết họ thực hiện chuyển đổi do yêu cầu của khách hàng.

Bà Lương Thị Lệ Thuỷ, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam cho biết: “Khối DNVVN là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đây cũng là khối bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19”.

Trong đó, việc thực hiện chuyển đổi số của các DNVVN sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, bà Thủy cho biết thêm.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vẫn loay hoay tìm cách chuyển đổi số - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam đánh giá việc thực hiện chuyển đổi số của các DNVVN sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, các DNVVN cũng đang phải đối mặt với những thách thức nhất định.

Theo khảo sát từ Cisco, việc thiếu tầm nhìn và tư duy về chuyển đổi số và những thách thức trong văn hoá công ty là trở ngại lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Tiếp theo là sự thiếu hụt các công nghệ thiết yếu, và hiểu biết sâu sắc về khách hàng, cũng như dữ liệu hoạt động.

Ông Raz Mohamad, Giám đốc Khối doanh nghiệp nhỏ và Thương mại khu vực ASEAN của Cisco, cho biết: “Các DNVVN là trụ cột của các nền kinh tế ASEAN, chiếm hơn 85% tổng số doanh nghiệp và tạo ra nguồn việc làm chính cho khối tư nhân trong khu vực”.

“Các doanh nghiệp này có cơ hội vô tiền khoáng hậu có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Công nghệ không chỉ giúp giải quyết một số thách thức lớn và phục hồi hoạt động mà còn giúp các doanh nghiệp duy trì tăng trưởng trong dài hạn”, ông cho biết thêm.

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quá trình chuyển đổi số của các DNVVN có thể đóng góp thêm từ 2,6 đến 3,1 nghìn tỷ USD vào GDP khu vực trong năm 2024. Theo dự báo của IDC, GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến tăng từ 10,6 đến 14,6 nghìn tỷ USD. Trong đó, quá trình chuyển đổi số của các DNVVN có thể chiếm tới 25% mức tăng trưởng đó.

Nguồn: dantri.com.vn

Để lại bình luận