Khai dòng Mekong trong công nghệ

Được thành lập từ cuối năm 1998, Mekong Green là một trong những thương hiệu máy tính lắp ráp đầu tiên tại Việt Nam. Nói về Mekong Green, ông Nguyễn Kiên Cường, chủ tịch HĐQT IDC Group gói gọn câu chuyện làm nên doanh nghiệp này trong một vài câu kể: “Tôi học ngành công nghệ thông tin và đây là một ngành không thể thiếu được cho sự phát triển nền kinh tế của đất nước và của từng người. Trong khi các hãng máy tính nước ngoài có nhiều đang tràn vào thị trường Việt nam, nơi nhu cầu sử dụng thiết bị tin học rất cao và con người Việt Nam thì cần cù, thông minh và chăm chỉ. Vậy lý nào Người Việt nam không có máy tính thương hiệu của mình? Vừa rẻ hơn, vừa triển khai các dịch vụ sau bán hàng dễ hơn, vừa có thể tạo công ăn việc làm cho mọi người? Chính vì suy nghĩ đó mà tôi đã gắn mình với Thương hiệu Máy tính Việt nam từ năm 1998 – Thương hiệu Mekong Green”.

Trên thực tế, Mekong Green được xây dựng và phát triển hoàn toàn từ con số không, với những đồng vốn của các cá nhân đóng góp vào và xây dựng nên. Chất chứa trong nó là cả những ước mơ và khát vọng của bao người… Nhờ vậy, dù gặp nhiều khó khăn về công nghệ, về cơ chế, chính sách… nhưng những chiếc máy tính với logo chữ M đặc trưng vẫn ra đời và âm thầm chinh phục thị trường.

Tiên phong, mở cõi, Mekong Green lập tức đã đạt đến những thành công khá lớn trên thị trường Việt Nam ngày đó. Nhưng, chỉ vài năm sau, làn sóng xâm nhập mạnh mẽ của các thương hiệu máy tính nước ngoài, Mekong Green bị lấn át hẳn. “Thực sự, tôi vẫn thấy Mekong Green là một thương hiệu dũng cảm, dám đương đầu với nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã có từ lâu và bao nhiêu tiền đã bỏ ra để làm PR cho thương hiệu”- ông Cường nhận xét.

Như bao doanh nghiệp khác, trong bối cảnh khó khăn kinh tế như hiện nay, người đứng đầu là người chịu nhiều áp lực nhất. Theo ông Cường, lạm phát cao khiến đời sống của người dân lâm vào cảnh khó khăn thì nhu cầu mua sắm cũng bớt đi. Bên cạnh đó, chính sách thuế nhập khẩu nguyên chiếc máy tính nước ngoài thì bằng 0, nhưng thuế nhập khẩu linh kiện lại từ 3-5%. Máy tính thương hiệu Việt đã khó khắn, thiếu kinh phí làm PR thương hiệu, lại bị đắt hơn hàng nguyên chiếc nên khả năng cạnh tranh kém hơn là chuyện đương nhiên. “Các hãng cạnh tranh nhau làm giá sản phẩm rẻ đi nhanh chóng, dòng đời sản phẩm không dài. Nói chung là trăm bề khó khăn với hàng thương hiệu Việt”- ông Cường chia sẻ.

Sát nhập với IDC, thương hiệu Mekong Green trở thành một phần của tập thể IDC vững mạnh. Bởi, đây là một tập đoàn CNTT đã có gần 20 năm hoạt động liên tục tăng trưởng bền vững. Lúc này, ước mơ của Nguyễn Kiên Cường là xây dựng IDC thành Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành nghề. Một ước mơ đơn giản nhưng cũng chưa đầy thử thách. “Tôi rất tin và rất tự hào là tôi và các thành viên của Mekong Green nói riêng và IDC Group nói chung đã làm nên được 1 điều diệu kỳ trong quá khứ”- Ông Cường nói vậy. Vì tự hào nên dù đau lòng, điển hình như khi chương trình “người Việt dùng hàng Việt” không được hỗ trợ một cách thấu đáo và cụ thể, chưa thực sự tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển nhưng ông và tập thể IDC nói chung vẫn kiên trì và cố gắng. Như việc trở thành một nhà phân phối chuyên nghiệp và độc quyền cho các thương hiệu nổi tiếng như Dell, HP, LG, Intel… cũng là cách Nguyễn Kiên Cường vừa làm kinh tế, vừa hỏi ở các hãng phát triển để suy nghĩ và hành động cho thương hiệu của mình.

Đáp lại những cố gắng của ông cũng như tập thể, là hàng loạt các giải thưởng. Từ huân chương lao động hạng 3, bằng khen của Thủ tướng chính Phủ, Hàng loạt các bắng khen của UBND T.P Hà nội, T.P Hồ Chí Minh, Cờ thi đua – Sao vàng đất Việt – 12 nắm liền là TOP 5 ICT Việt nam… “Nhứng giải thưởng đó đã đem lại cho doanh nhiệp, các thành viên, cán bộ công nhân viên niềm tự hào, và đặc biệt quan trọng hơn nữa là góp phần giúp cho thương hiệu của doanh nghiệp, cá nhân lớn mạnh hơn rất nhiều”- ông Cường chia sẻ. Riêng với giải thưởng Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu cho cá nhân ông, trong hai năm liền, từ 2009 đến 2010, Nguyễn Kiên Cường cho biết, ông rất cám ơn và đánh giá cao giải Doanh nhân Sài gòn, một giải rất có uy tín, tổ chức rất tốt, tôn vinh đúng những con người đã có gắn bó và công hiến cho nền kinh tế đất nước nói chung và Sài Gòn nói riêng. “Với riêng tôi đó còn là một món quà đặc biệt vì tôi sinh ra trên đất Bắc, quê ở Bình định – nơi cha tôi đã ra đi làm cách mạng từ năm 1945 nhưng tôi vẫn được ghi nhận ở Sài Gòn”-ông Cường cho biết.

Kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, trong bối cảnh đã có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đã phải buông sản xuất, bán nhà xưởng và đóng cửa doanh nghiệp, Nguyễn Kiên Cường bảo, ông đang nhớ đến câu tục ngữ bỏ thì thương mà vương thì tội. Trong quan niệm của ông, những doanh nhân nước ngoài thì họ rất dễ để cắt đi cái phần không hiệu quả, còn với người Việt Nam nói chung tình cảm và nhân nghĩa vẫn đặt hàng đầu. “Bản thân tôi cũng nặng nhân nghĩa như thế nên đôi khi cũng đau lòng, cũng khó xử”- ông Cường chia sẻ.

 

Để lại bình luận